Muốn đẹp, trước hết, chúng ta phải có nền tảng sức khỏe, có thân hình cân đối, nhanh nhẹn, hoạt bát, da dẻ mịn màng hồng hào, mắt sáng linh hoạt, tóc mướt, răng trắng và chắc khỏe. Tất cả điều này đều liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống từ giai đoạn trong bào thai đến hết cả cuộc đời.
Không những thế, các nhà khoa học đã chứng minh thêm được một số chất có tác dụng làm đẹp hiệu quả.
Trắng hồng làn da
Da là vẻ đẹp bên ngoài và còn là tấm gương phản ánh tình hình sức khỏe nói chung của cơ thể. Da đẹp phải mịn màng và màu sắc tươi sáng, hồng hào.
Độ mịn của da được tạo ra bởi lượng nước uống, các loại vitamin tác động trên da như vitamin A, vitamin C, vitamin E, beta carotene, … và các axít béo (từ chất béo) thiết yếu.
Người trưởng thành cần uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày (kể cả nước canh, súp…) và phải tăng lượng nước thêm nếu thời tiết nóng ra nhiều mồ hôi hoặc ở phòng máy lạnh thiếu độ ẩm. Có thể nhìn độ sậm của nước tiểu để biết cơ thể đủ hay thiếu nước. Tốt nhất là giữ cho nước tiểu có màu vàng thật nhạt. Vì vậy, cần uống nước liên tục trong ngày chứ không phải dồn vào một lúc.
Thức ăn có nhiều vitamin A là thịt, cá, trứng, sữa … Betacarotene nhiều trong rau lá màu xanh đậm như rau ngót, mồng tơi, rau lang, rau muống… và các loại củ quả màu vàng cam đậm như đu đủ, bí đỏ, cà rốt, gấc, xoài chín … Vitamin C có trong hầu hết các loại rau và trái cây, đặc biệt nhiều trong sơri, cam, chanh, cóc, ổi, thanh long, bưởi …Vitamin E có nhiều trong mầm giá đỗ, các loại dầu thực vật… Các loại axít béo thiết yếu (vì cơ thể không tự tạo ra được mà phải được cung cấp từ thực phẩm) cũng cần có từ các loại dầu thực vật, mỡ cá …
Uống sữa tươi giúp đẹp da vì trong sữa có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho da như vitamin và chất béo.
Đặc biệt, chất kẽm hiện nay đang được gọi là “chuyên gia trị mụn”, vì kẽm làm giảm lượng bã nhờn trên da, cân bằng hoạt động tuyến bã nhờn, đẩy nhanh tiến trình liền sẹo cho da, giúp da tăng cường sức đề kháng, tránh viêm nhiễm do mụn và bụi bẩn từ môi trường gây ra trên da. Chất kẽm có nhiều trong thịt, hải sản, hàu sò, men bia, …
Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, beta carotene, lycopene (trong cà chua, sơ ri, ớt đỏ), flavon từ đậu nành… giúp cho da chậm lão hóa tạo độ mịn màng tươi trẻ, đàn hồi tốt, sắc da sáng…
Chất xơ cũng đặc biệt quan trọng đối với làn da do tác dụng nhuận trường chống táo bón, giúp loại bỏ các chất độc hại, cặn bã ra khỏi cơ thể. Ngược lại nếu táo bón, các độc chất sẽ bị hấp thu trở lại vào máu và tồn trữ trong cơ thể, rồi tạo thành mụn nhọt để tìm đường thoát ra bên ngoài. Táo bón thường là do thiếu nước, thiếu chất xơ, vận động đường ruột kém do ít vận động thể lực…
Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh da sạch sẽ đúng cách giúp bảo vệ và cải thiện làn da. Việc đắp mặt nạ trên da với rau quả tươi cũng đem lại hiệu quả rõ ràng do da được cung cấp dinh dưỡng tại chổ trực tiếp và lấy đi lớp tế bào sừng hóa (tế bào chết) trên da.
Trong khi đó, các thức ăn quá nhiều dầu mỡ, nhiều đường, thức ăn chiên quay khó tiêu, rượu, bia, khói thuốc, khói xe cộ, ánh nắng mặt trời trực tiếp, các loại kem mỹ phẩm không phù hợp, giữ vệ sinh da không tốt, sự căng thẳng mất ngủ...có tác dụng xấu đối với độ mịn của da làm cho da tăng tiết chất nhờn, nổi mụn nhọt, trứng cá nhiều hoặc thô ráp.
Ăn uống thiếu chất cũng ảnh hưởng đến màu sắc của da, gây nám da hoặc làm da nhợt nhạt, xanh xao vì thiếu máu.
Chất sắt là nguyên liệu để tạo ra hồng cầu trong máu. Chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật như huyết, gan, thịt bò, thịt heo, cá … và trong thức ăn thực vật như rau lá màu đậm nhưng số lượng không nhiều và khó hấp thu hơn thức ăn động vật. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15 - 30% chất sắt trong thức ăn được hấp thu qua đường tiêu hóa, vì vậy cần tăng hấp thu sắt bằng sự hiện diện của vitamin C trong rau quả mỗi bữa ăn. Hạn chế uống trà đặc sau bữa ăn vì trà có thể gây ức chế hấp thu chất sắt. Cần chú ý là cơ thể sẽ có nguy cơ bị thiếu chất sắt dẫn đến thiếu máu nếu chế độ ăn thiếu đạm động vật, người tăng nhu cầu tạo máu như bà mẹ mang thai, mất máu hàng tháng do kinh nguyệt hoặc sau sanh, loét dạ dày tá tràng xuất huyết rỉ rã, người ăn chay trường…
Bóng mượt mái tóc
Tóc chứa ¼ là nước tạo độ ẩm cho tóc mềm mại, bóng mượt. Chất đạm (protein) là một thành phần quan trọng để tóc tránh bị gãy và chẻ ngọn. Chất sắt cung cấp oxy cho nang tóc và cả sợi tóc. Nếu thiếu sắt, thiếu máu thì nuôi dưỡng và phát triển sợi tóc sẽ kém đi dẫn đến rụng tóc, tóc khô, dễ gãy. Chất kẽm cũng giúp ngăn ngừa rụng tóc. Đồng là khoáng chất hình thành nên sắc tố tóc. Đồng có nhiều trong tôm, cua, sò, thịt, rau quả tươi, giá và các loại đậu. Để tóc sạch, mướt bóng đẹp, cần gội đầu 1- 2 ngày một lần với loại dầu gội đầu nào phù hợp với loại tóc của mình (tóc bình thường hay khô, dầu) và trung thành với loại dầu đó.
Trắng chắc hàm răng
Để có hàm răng đều đặn trắng đẹp, cũng phải bắt đầu từ giai đoạn bào thai, mẹ cần ăn đủ chất và tránh uống các loại thuốc ảnh hưỏng đến mầm răng của bé như Tetracyclin.
Để răng chắc khỏe, cần ăn uống đủ chất, nhất là canxi, “tập thể dục” cho răng, nướu bằng các thức ăn chắc như táo, mận, mía, gặm xương ... tránh các thức ăn ngọt, dính và vệ sinh răng miệng sau khi ăn.
Tập thể dục hàng ngày cũng giúp máu huyết lưu thông, tăng cường chuyển hóa và trao đổi chất, giúp da và tóc được nuôi dưỡng tốt, tiết chất nhờn chống khô da, giúp da hồng hào căng mịn đầy sức sống từ bên trong.
Cần chú ý bảo vệ da, tóc trước ánh nắng mặt trời bằng nón, găng, khẩu trang che mặt, hạn chế tối đa tác dụng của nhiệt độ (sấy tóc, duỗi tóc), cẩn trọng với các hóa chất – mỹ phẩm – xà bông sử dụng, đặc biệt khi tẩy trắng da thì da càng mẫn cảm và dễ bắt nắng. Nếu thường xuyên ngồi phòng máy lạnh thì nên thoa da kem giữ ẩm, sử dụng dầu xả cho tóc.
bacsigiadinh.org
Theo BS. CK1. Đào Thị Yến Thủy